Thứ 4, 22/09/2021, 18:00
Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nói chung và trong giáo dục bậc đại học nói riêng là nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn 2021-2025, với tầm nhìn đến năm 2030, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu khai mạc hội thảo diễn ra vào ngày 21/9.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, tại buổi hội thảo
Chuyển đổi số trong giáo dục là bước đi chủ động
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay, toàn ngành giáo dục Việt Nam đã dần làm quen với các hoạt động trong khuôn khổ trường học được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đầu tháng 9 vừa qua, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức thành công buổi lễ tốt nghiệp cho hơn 3,000 tân cử nhân, tân kỹ sư theo hình thức trực tuyến trên các ứng dụng và trang mạng xã hội của Trường. Phụ huynh, sinh viên, hay bất kỳ ai quan tâm đều có thể tham dự buổi lễ tốt nghiệp từ xa bằng chiếc điện thoại hay máy tính mà không cần phải có mặt tại khuôn viên nhà Trường.
Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Việt Nam đang áp dụng nhiều chính sách đối với các chương trình học trực tuyến, và xây dựng các dự án thúc đẩy công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Chính phủ cũng từng bước hoàn thiện các chính sách hiện hành, hành lang pháp lý và bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Giáo sư Steve Smith, Đại sứ Giáo dục Quốc tế Vương Quốc Anh, khẳng định những nỗ lực và quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số đang giúp Việt Nam có lợi thế trong việc phát triển các phương thức học mới, đặc biệt với sự ra đời của Thông tư 38 về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hình thức học trực tuyến không phải là phương thức bị động, mà là bước đi chủ động và mang tính dài hạn. Năng lực công nghệ số trở thành một yếu tố thiết yếu cho mỗi giảng viên và sinh viên bởi sự ảnh hưởng của nó đến chất lượng đào tạo, “với năng lực tốt, khả năng tìm hiểu và kết nối kiến thức sẽ thúc đẩy sáng tạo vượt ra ngoài phạm vi lớp học truyền thống”, PGS. Hoàng Minh Sơn nhận định.
Ngày 22/9, trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức ra mắt Hệ thống quản trị đại học trực tuyến eHUST. “Đây là một dịch vụ phù hợp với nhu cầu của tất cả người sử dụng, giúp chúng tôi quản trị với một hệ thống toàn diện, và hỗ trợ tốt hơn cho giảng viên và sinh viên của nhà trường”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường chia sẻ.
Chuyển đổi số - Chuyện không của riêng ai
Trong bài diễn văn của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT về “Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 và các chính sách”, bà khẳng định chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của trường học, hay chính phủ, mà của nhiều bên liên quan trong thời đại số.
Phiên thảo luận xung quanh nội dung này có sự tham gia của các nhà giáo dục đại học ở Anh, Việt Nam, đại diện doanh nghiệp và đại diện quỹ giáo dục. Nhiều người đồng ý rằng một trong những thách thức lớn hiện nay là tài nguyên số, làm thế nào để tất cả mọi người đều có khả năng tiếp cận với cách thức học mới này. “Chúng ta cần đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở đó có chất lượng cao, có khả năng phục hồi và khả năng thích ứng”, ông Tom Crick, Giáo sư Trường Đại học Swansea, Uỷ viên Hội đồng Cơ sở Hạ tầng Quốc gia xứ Wales nói.
Tuy nhiên, học trực tuyến và trực tiếp sẽ luôn song hành cùng nhau, vì tương tác giữa người với người là yếu tố quan trọng trong giáo dục, ông Rob Humphreys, đại diện Hội đồng Quỹ Đại học xứ Wales chia sẻ khi được hỏi làm thế nào để cân bằng giữa hình thức học truyền thống và học trực tuyến. Điều quan trọng là cần lắng nghe tiếng nói của sinh viên, ông chia sẻ thêm.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam; Ngài Steve Smith - Đại sứ giáo dục quốc tế Vương quốc Anh; Giáo sư Iwan Davies - Hiệu trưởng Trường Đại học Bangor, Vương quốc Anh, Chủ tịch Global Wales; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT); Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và hơn 600 các nhà lãnh đạo giáo dục đại học, giảng viên, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và sinh viên quan tâm đến sự kiện.
Tại buổi hội thảo, các vấn đề khác cũng được thảo luận, bao gồm Nâng cao năng lực dạy và học; Hợp tác nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp; Đổi mới trong dạy và học – Công nghệ cho phép nền tảng và phân chia kỹ thuật số: Đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, bảo mật dữ liệu và Kiểm định chất lượng.
Hội thảo “Giáo dục đại học chuẩn bị cho chuyển đổi số” là một phần trong chương trình Hợp tác Đối tác Toàn cầu của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Hội thảo tạo cơ hội cho Chính phủ và các nhà lãnh đạo giáo dục đại học Vương Quốc Anh và Việt Nam thảo luận về những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực số hóa giáo dục đại học, đáp ứng sự phát triển của giáo dục đại học ở cả hai quốc gia và tầm quan trọng của việc phát triển các chính sách trong việc giải quyết các vấn đề này.