Đại học Bách Khoa Hà Nội đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số với mục tiêu trở thành đại học hàng đầu ở Đông Nam Á và xa hơn là trong khu vực châu Á
Thứ 2, 03/08/2020, 18:00
Bách Khoa Hà Nội coi chuyển đổi số là bước đột phá quan trọng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2025 nhằm duy trì vị thế đại học khoa học - kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam có sức ảnh hưởng, tiên phong và dẫn dắt ở giáo dục bậc đại học, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường, phát biểu tại hội nghị tập huấn ngày 31/7. Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện là trường đại học đứng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ ở trong nước và đứng thứ 4 ở Đông Nam Á theo công bố mới nhất của Times Higher Education.
Chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực trên khắp thế giới, giáo dục đại học cũng không nằm ngoài xu thế. Khi bắt đầu thí điểm tự chủ toàn diện vào năm 2016, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chuẩn bị thích ứng với thời đại số. “Nhu cầu của người học thế hệ mới khác hoàn toàn so với trước đây. Sinh viên hiện nay muốn một môi trường học tích cực, tương tác và trải nghiệm hơn”, Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày báo cáo chiến lược phát triển trong thời kỳ chuyển đối số.
Sinh viên trong thời đại số là những khách hàng thành thạo công nghệ, cập nhật thông tin và mạnh dạn nói lên nhu cầu của mình. Sinh viên hiện nay coi đại học là môi trường để thu nạp kiến thức và phát triển bản thân đồng thời là nơi đảm bảo “tấm vé” nghề nghiệp tương lai. Vì vậy cam kết giá trị với khách hàng của các trường đại học cũng phải thay đổi theo, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn.
Trong chiến lược phát triển thời kỳ chuyển đổi số, Đại học Bách Khoa Hà Nội, thứ nhất, coi sinh viên là trung tâm và chủ thể; thứ hai, sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ mới đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu của người học thế hệ mới; thứ ba, thích ứng với thời đại số để giữ vững năng lực cạnh tranh; thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu và nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định; và cuối cùng, xác định giá trị cam kết của Trường với các bên có lợi ích liên quan và các đối tác.
‘Học online không phải là chuyển đổi số’
10 năm qua, trong khi nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị “nhấn chìm” bởi làn sóng công nghệ thông tin thì giáo dục đại học gần như không bị ảnh hưởng, theo sách trắng về chuyển đổi số quá trình quốc tế hóa của các trường đại học do Erasmus Mundus, chương trình trao đổi sinh viên của Liên minh châu Âu, phát hành năm 2019. Do vậy, giảng viên và sinh viên vẫn giữ cách dạy - học truyền thống và thiếu động lực để đổi mới.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả. Các hoạt động dạy và học chuyển sang hình thức trực tuyến. Các trường đại học, dù muốn hay không, buộc phải tham gia vào một cuộc thí nghiệm chuyển đổi số. Như nhà sử học người Do Thái Yuval Harari nhận xét về ảnh hưởng của đại dịch trên tờ Financial Times, "bình thường người ta có thể mất nhiều năm cân nhắc trước khi quyết định nhưng trong bối cảnh dịch bệnh các quyết định được thông qua chỉ trong vài giờ".
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo và sinh viên, đội ngũ giảng viên Bách Khoa Hà Nội đã nhanh chóng đẩy nguồn học liệu dồi dào của trường lên mạng kết hợp với các nguồn học liệu quốc tế có sẵn khác để nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường, phát biểu tại hội nghị tập huấn ngày 31/7 về chiến lược phát triển của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong thời kỳ chuyển đổi số. Ảnh: Duy Thành.
“Covid-19 tạo ra động lực để chúng ta thay đổi nhận thức về chuyển đổi số nhanh hơn. Đó là điều mấu chốt”, Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn nói bên lề hội nghị. “Nhưng giảng dạy và học tập qua mạng không phải là chuyển đổi số. Đó là chỉ thay đổi cách thức, phương tiện; trước kia là trên lớp, nay là qua mạng”.
Chuyển đổi số không đơn giản dừng lại ở việc dạy và học qua mạng. Theo Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyển đổi số dựa trên 4 công nghệ nền tảng bao gồm Điện toán Đám mây, Dữ liệu lớn, Trí tuệ Nhân tạo và Internet Vạn vật để tái cấu trúc lại dịch vụ và sản phẩm, tạo đột phá về môi trường trải nghiệm giáo dục đại học, đồng thời tối ưu hóa hệ thống, quy trình hiện tại.
PGS. TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường, cho biết Bách Khoa Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu về đào tạo và tuyển sinh; về đội ngũ cán bộ, giảng viên; về nghiên cứu khoa học; và cơ sở vật chất. Phó hiệu trưởng nhấn mạnh vai trò của dữ liệu như là tài sản và vũ khí cạnh tranh của mỗi tổ chức. “Dựa vào dữ liệu, Phòng Tuyển sinh phân tích ra được xu hướng chọn ngành học theo vùng miền. Học sinh, ví dụ, ở Hải Phòng thường chọn ngành logistics hay học sinh ở Nghệ An thích học cơ khí”, Phó hiệu trưởng nói. “Phòng Tuyển sinh của Bách Khoa sau đó sắp xếp cán bộ tư vấn về các địa phương một cách hợp lý. Đó là ví dụ của quyết định dựa trên dữ liệu”.
Ngoài ra, dữ liệu còn giúp một trường đại học ra các quyết định dài hạn liên quan đến mở ngành học mới hoặc đối tượng sinh viên hướng đến, Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn bổ sung. Dữ liệu về quá trình học tập của sinh viên hiện tại và cựu sinh viên có thể giúp nhà trường thấy rõ những học sinh có tố chất gì sẽ phù hợp với môi trường học tập và nghiên cứu ở Bách Khoa Hà Nội. Thông tin này giúp giảm tỉ lệ sinh viên bỏ học và tăng hiệu quả đầu tư của Trường trên mỗi sinh viên.
Dù nhận thức rõ sức mạnh của công nghệ, “việc khai thác dữ liệu thành thông tin vẫn còn yếu”, Phó hiệu trưởng Trần Văn Tớp nhận xét. Dữ liệu, sau khi được phân tích, có thể cung cấp giải pháp cho hàng loạt các vấn đề như quản lý cơ sở vật chất manh mún hoặc sắp xếp lớp học thiếu hiệu quả. Nhưng nếu các Viện, các phòng ban sử dụng dữ liệu một cách rời rạc, tách khỏi hệ thống dữ liệu chung của trường thì sẽ không tận dụng được những lợi ích của chuyển đổi số.
Ngoài ra, theo GS Huỳnh Trung Hải, trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu, nguyên nhân còn do các giảng viên và cán bộ thiếu kỹ năng đọc dữ liệu. GS Hải đề nghị nhà trường tăng cường các khóa đào tạo nội bộ ngắn hạn về phân tích dữ liệu cho cán bộ và giảng viên.
Chuyển đổi số là thay đổi tư duy
Từ trái qua phải, PGS. TS Trần Văn Tớp, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, PGS.TS Hoàng Minh Sơn và GS.TS Đinh Văn Phong tại hội nghị tập huấn ngày 31/7 về chiến lược phát triển của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong thời kỳ chuyển đổi số. Ảnh: Duy Thành.
“Chúng ta không thể làm việc theo cách cũ trên một hệ thống số hóa mới”, GS.TS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu và phát triển, chỉ ra thách thức của chuyển đổi số là thay đổi tư duy của người dùng. Chuyển đổi số không phải chuyển từ “giấy” lên “mạng”. Chuyển đổi số phải gắn với việc chuẩn hóa theo quốc tế và cắt giảm các thủ tục rườm rà. Chuyển đổi số khiến mọi đơn vị, mọi cá nhân phải tư duy lại quy trình làm việc.
“Chuyển đổi số không có ý nghĩa nếu không tạo ra giá trị tăng thêm cho người học”, Hiệu trưởng PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh. Trí tuệ Nhân tạo, một trong 4 công nghệ nền tảng, có thể giúp các trường đại học “cá nhân hóa” trải nghiệm học tập cho từng sinh viên, khắc phục một trong những nhược điểm lớn nhất của mô hình giáo dục truyền thống.
Hơn 50% số người được hỏi, bao gồm lãnh đạo các trường đại học và các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục ở Australia, Mỹ, Canada và Anh, tin rằng “đến năm 2025 mô hình đào tạo đại học truyền thống sẽ bị phá vỡ”, Navitas Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm chuyên về dịch vụ giáo dục, kết luận trong một cuộc khảo sát năm 2018. Trí tuệ Nhân tạo còn giải phóng giảng viên khỏi các công việc hành chính lặp lại như chấm bài để tập trung vào việc giảng dạy, tương tác với sinh viên và nghiên cứu khoa học. Theo báo cáo, Trí tuệ Nhân tạo có thể tạo ra sự thay đổi đột phá tại những cơ sở giáo dục biết tận dụng sức mạnh của công nghệ này.
Trong phần thảo luận tại hội nghị, nhiều lãnh đạo các Viện đồng tình với những nhận xét của Ban Giám hiệu rằng mục đích cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục đại học là nâng cao chất lượng và trải nghiệm học tập của người học, tăng sức cạnh tranh của Bách Khoa Hà Nội thông qua việc tận dụng công nghệ số, tạo ra văn hóa đưa ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu để tối ưu hóa các nguồn lực của Trường.
Bên cạnh đó, mọi người cũng thừa nhận sự quyết tâm từ phía lãnh đạo là chưa đủ. Chuyển đổi số đòi hỏi mọi phòng ban, giảng viên, cán bộ mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” để tiếp cận với công nghệ và học hỏi các kỹ năng mới. “Tất cả đều phải đồng lòng và sẵn sàng trước những thay đổi để giúp Bách Khoa phát triển trong thời kỳ chuyển đổi số”, theo một ý kiến tại hội nghị.