Thứ 4, 01/06/2022, 18:00
Sáng 01/06/2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức ra mắt “Trung tâm công nghệ và giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục – EdTech Centre”. Trung tâm Công nghệ và Giải pháp Chuyển đổi số trong giáo dục là một trong những hoạt động hợp tác giữa Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐHBKHN và Công ty Sun Asterisk. Hai bên thống nhất xây dựng các nhóm nghiên cứu để thực hiện các đề tài nghiên cứu chung và phát triển các nền tảng EdTech để hỗ trợ các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết trong hai năm, với tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 35 tỷ đồng (hơn 1,5 triệu đô).
Lễ ra mắt Trung tâm diễn ra dưới sự chứng kiến của Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Ông Nguyễn Sơn Hải, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội – PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Bí thư Phụ trách Đảng ủy ĐHBKHN – TS. Bùi Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường CNTT&TT, PGS. Tạ Hải Tùng và Giám đốc công ty Sun* ông Taihei Koybayashi và đông đảo đại diện các đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực blended learning. Trung tâm được thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp, theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội và đơn vị đối tác, Công ty Sun* (Nhật Bản) sẽ cùng đầu tư xây dựng và vận hành trung tâm vì mục đích kết nối các nhóm nghiên cứu, phát triển, triển khai ứng dụng về chuyển đổi số trong giáo dục để nâng cao hiệu quả đào tạo sinh viên của nhà trường.
TS. Phạm Huy Hoàng – tân Giám đốc Trung tâm, nêu rõ mục tiêu dài hạn của Trung tâm EdTech là nơi kết nối các nhóm nghiên cứu, phát triển, triển khai ứng dụng về chuyển đổi số trong giáo dục trong trường đại học ĐHBK, nhằm phát huy sức mạnh, cùng nhau thực hiện các mục tiêu nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số giáo dục.
Sản phẩm bước đầu đã triển khai là hệ thống quản trị đại học trực tuyến eHUST và hệ thống MOOC daotao.ai. Trung tâm sẽ tiếp tục phát triển và đưa vào ứng dụng các nghiên cứu nhận dạng hành vi người học, người thi sử dụng AI với dòng video, module hỗ trợ hình thức thi trực tuyến có giám thị tự động, ứng dụng các công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality) vào các môn học cần tương tác trực quan 3D, tư vấn người học dựa trên phân tích dữ liệu lớn, trợ giúp ra đề thi tự động theo yêu cầu người dùng…
Với mong muốn nâng cao vị thế của Trường trên khu vực và thế giới, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, hi vọng tiến trình hợp tác quốc tế sẽ diễn ra một cách tự nhiên trong từng hoạt động nghiên cứu, “trong mỗi phòng thí nghiệm, nhóm chuyên môn hay trung tâm nghiên cứu, đại diện của các nhà khoa học quốc tế, chuyên gia doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, sinh viên Bách khoa Hà Nội cùng làm việc và phát triển”.